Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tiếp tục dồn mạnh vào nhóm vốn hóa lớn hay cổ phiếu có sự bứt phá về điểm số như HPG, CTG, SBT, NVL, QNS, GMD. Ngược lại, phía mua ròng tập trung tại các cổ phiếu TPB, DHC, GAS, DCM, HAH….
Tuần giao dịch 4-8/10 ghi nhận sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán Việt Nam với 5 phiên tăng điểm liên tiếp.Chỉ số VN-Index đã thành công bứt phá khỏi xu hướng đi ngang trong cả cả tháng trở lại đây, từng bước chinh phục ngưỡng cản 1.350 điểm, 1.360 điểm và trong phiên cuối tuần 8/10 đã vượt đỉnh 1.366 điểm của kênh sideway đã hình thành một tháng trước đó. Nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư về một xu hướng tăng điểm hướng tới vùng 1.380 điểm thiết lập trong tháng 8.
Thanh khoản bình quân toàn thị trường ghi nhận có sự cải thiện so với tuần trước, đạt 24.383 tỷ đồng/phiên tương ứng tăng 3,5% so với tuần trước đó nhờ lực cầu đã trở nên mạnh hơn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận tuần giao dịch tích cực với nhiều mã là trụ kéo cho thị trường như GAS, VHM, HPG, MSN. Ngược lại, dòng tiền chốt lời vẫn xuất hiện trên nhóm cổ phiếu đầu cơ midcap và penny sau chuỗi tăng nóng.
VN-Index kết thúc tuần ở mức 1.372,73 điểm, tương ứng tăng tới 37.84 điểm (2,8%) so với đầu tuần.
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2.624 tỷ đồng, chiếm 5,4% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ lớn là việc họ tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng 1.173 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng hơn 35 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Mặc dù có phiên thứ ba mua ròng mạnh 559 tỷ đồng tại sàn HoSE nhờ giao dịch thỏa thuận hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu TPB nhưng là không đủ khi áp lực bán ròng vẫn duy trì trong những phiên còn lại.
Cụ thể hơn, tuần qua trên kênh khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 2.140 tỷ đồng trên cả 3 sàn; điểm sáng là việc trở lại mua ròng 354 tỷ đồng tròn cả tuần trên kênh thỏa thuận tại hai sàn HoSE và UPCoM, qua đó thu hẹp mức đà bán ròng trên toàn thị trường.
Chỉ tính trên kênh giao dịch khớp lệnh, dòng tiền một lần nữa tìm tới các cổ phiếu nhóm điện, nước & xăng dầu, khí đốt, sức hút có thể đến từ đà tăng giá liên tục của giá dầu, khí trên thị trường hàng hóa quốc tế. Ngược lại, hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận áp lực bán ròng, lực bán mạnh tại các cổ phiếu thép, với đầu tàu là HPG; nhóm ngành thực phẩm & đồ uống; logistics vận tải, chứng khoán hay ngân hàng.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tiếp tục dồn mạnh vào nhóm vốn hóa lớn hay cổ phiếu có sự bứt phá về điểm số như HPG, CTG, SBT, NVL, QNS, GMD. Ngược lại, phía mua ròng tập trung tại các cổ phiếu TPB, DHC, GAS, VHM, DCM, HAH….
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục duy trì mạch bán ròng, tổng giá trị ròng đạt 1.017 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.976 tỷ đồng được giao dịch thông qua khớp lệnh trên sàn, ngược lại họ đã đảo vị thế mua ròng 956 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.
Nối tiếp mạch bị bán ròng, cổ phiếu HPG trong tuần qua tiếp tục ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất thị trường với 1.072 tỷ đồng – tăng mạnh 190% so với tuần trước đó. Tuần qua, cổ phiếu HPG là tâm điểm khi phục hồi trở lại cùng đỉnh lịch sử, chốt phiên 8/10 tại mức 55.700 đồng/cổ phiếu (+4,3% so với tuần trước). Đây là có thể là lý do cho áp lực chốt lời của khối ngoại thì giá cổ phiếu đã đạt mức kỳ vọng.
Đà bán ra của cổ phiếu HPG bỏ xa các cổ phiếu xếp bên dưới là CTG bị bán ròng 252 tỷ đồng, SBTcũng bị áp lực bán ra của nhà đầu tư ngoại, giá trị bán ròng ghi nhận 186 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong tuần còn có NVL (182 tỷ đồng), GMD (132 tỷ đồng), SSI (125 tỷ đồng), GEX (125 tỷ đồng), PAN (120 tỷ đồng), VIC (111 tỷ đồng).
Tại chiều mua, tâm điểm giao dịch trong tuần này là cổ phiếu TPB với giá trị mua ròng nhiều nhất 1.072 tỷ đồng. Giá trị giao dịch chủ yếu diễn ra trong phiên 5/10 khi mã này được thỏa thuận hơn 27 triệu đơn vị trong phiên niêm yết bổ sung 100 triệu đơn vị. Gần đây, từ ngày 5/10 đến 3/11/2021, quỹ ngoại SBI Ven Holdings Pte. Ltd thuộc SoftBank đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu TPB. Cùng thời gian, công ty Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) cũng đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu TPB theo ủy thác của SBI Ven Holdings Pte. Ltd; đồng thời hai tổ chức khác thuộc SoftBank là Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB cùng đăng ký mua thêm 8,2 triệu cổ phiếu TPB. Toàn bộ các giao dịch đều dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có các cổ phiếu khác như DHC (194 tỷ đồng), GAS (155 tỷ đồng), VHM (128 tỷ đồng), DCM (96 tỷ đồng)…
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng với quy mô 15 tỷ đồng và toàn bộ đều đến từ kênh khớp lệnh, có thể thấy áp lực chốt lời tại nhóm vừa và nhỏ đang dần hạ nhiệt.
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận THD bị bán mạnh nhất với 21 tỷ đồng trong tuần tăng điểm liên tục, trái ngược với lực mua gần 13 tỷ đồng trong tuần trước. Theo sau là SHS với giá trị bán ròng 12 ỷ đồng. Cổ phiếu SHS đã tăng “nóng” khoảng 119% về giá trị kể từ đầu năm; do đó rất có thể các nhà đầu tư ngoại đã tiếp tục chốt lời mã cổ phiếu này.
Danh sách bán ròng còn có PGS (8 tỷ đồng), VNR (6 tỷ đồng), PVS (4 tỷ đồng), IDJ (3 tỷ đồng), BTS (2 tỷ đồng)…
Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã PVI với 37 tỷ đồng, CEO cũng được mua ròng 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu VCS được rót ròng 3 tỷ đồng trong khi TVD được mua ròng 1 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận giao dịch tiêu cực khi đẩy mạnh bán ròng 142 tỷ đồng, trong đó 149 tỷ đồng bán ròng trên kênh khớp lệnh và chỉ mua ròng nhẹ 7 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận. Với con số này, đây là tuần khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên UPCoM kể từ tháng 7/2021.
Cổ phiếu QNS dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng tới 138 tỷ đồng, giao dịch chốt lời mạnh diễn ra khi thị giá cổ phiếu QNS đã tiệm cận vùng giá đỉnh tại 53.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, NTC cũng bị bán ròng 24 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có VEA, FOX, ABI, BVB, VRG…
Tại phía mua vào, cổ phiếu dầu khí là BSR tuần này được nhà đầu tư ngoại rót ròng 11 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng vốn ngoại vẫn tìm đến cổ phiếu MML với giá trị rót ròng 11 tỷ đồng, CLX với 6 tỷ đồng, VTP với 5 tỷ đồng.