Hầu hết các tòa đại sứ quán Mỹ đều được thiết kế cũng như xây dựng bởi các công ty của Mỹ. Tuy nhiên, các tòa sứ quán Mỹ tại Iraq, Anh hay Barbados được xây dựng và thi công chính bởi các nhà thầu có trụ sở hoặc chi nhánh tại các nước này.
Tòa sứ quán Mỹ tại Iraq: nhà thầu Trung Đông trúng gói thầu “nửa tỷ USD”
Tòa đại sứ quán của Mỹ tại Baghdad (Iraq) được xây dựng trên khu đất rộng 42 ha, gấp 5 lần tòa sứ quán tại Yerena và 10 lần tòa sứ quán tại Bắc Kinh. Tổng mức chi cho tòa sứ quán này là 750 triệu USD và thu hút 16.000 công nhân từ nhiều các nhà thầu.
Đáng chú ý, nhà thầu phụ trách phần lớn tòa đại sứ quán này là một nhà thầu của Trung Đông, công ty First Kuwaiti. Nhà thầu này có trụ sở chính ở quốc gia láng giềng của Iraq là Kuwaiti nhưng cũng có chi nhánh ở Iraq. Công ty First Kuwaiti là một trong những nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ đứng đầu và hoạt động trong khu vực MENA (gồm các nước Trung Đông và Bắc Phi).
Khác với nhiều tòa đại sứ khác hầu như được tiến hành bởi các nhà thầu của Mỹ, tòa đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã chi gần 500 triệu USD cho nhà thầu này. Trong hợp đồng thầu xây dựng tòa đại sứ quán 750 triệu USD, First Kuwaiti phụ trách những mảng quan trọng như xây dựng tòa nhà, cơ sở hạ tầng, dịch vụ điện và kỹ thuật.
Trong hợp đồng thầu của công ty này với Chính phủ Mỹ, First Kuwaiti nhận được gần 300 triệu USD cho việc xây dựng tòa nhà chính và cơ sở hạ tầng. Tiếp đó, việc xây dựng các cơ sở hỗ trợ cũng giúp công ty nhận nhận thêm được hơn 80 triệu USD.
Tòa sứ quán Mỹ tại Barbados: Nhà thầu địa phương xây dựng chính
Tòa sứ quán này nằm ở thủ đô Bridgetown của quốc đảo Barbados được xây dựng vào năm 2008. Tòa sứ quán này nằm trên khu đất rộng gần 13.000 m2 và được thiết kế dựa theo cảm hứng từ các ngôi nhà (chattel house) tại quốc gia này.
Tòa đại sứ quán Mỹ tại Barbados do Caribbean Consultants xây dựng. Nguồn ảnh: National Museum of American Diplomacy
Công ty phụ trách thiết kế là công ty của Mỹ, Sorg Architects. Các công ty thầu phụ trách tòa nhà gồm: Grotheer & CO, Elhert Bryan, Caribbean Consultants. Tuy nhiên, công ty phụ trách chính xây dựng là Caribbean Consultants, công ty có trụ sở tại Barbados.
Caribbean Consultants được thành lập vào năm 1973 và chuyên nhận các hợp đồng xây dựng cầu, nhà kho, khách sạn và cao ốc văn phòng ở Barbados, và mở rộng ra khắp vùng Caribê. Chi phí xây dựng của tòa sứ quán này 40 triệu USD. Tổng diện tích của tòa sứ quán là khoảng 8.000 m2.
Tòa sứ quán Mỹ tại London: 5 nhà thầu chính là của Anh
Tòa đại sứ quán Mỹ tại London (Anh) được xây dựng lại năm 2013 và hoàn thành trong năm 2017 với trị giá lên tới 1 tỷ USD. Tòa sứ quán nằm ở khu đất “kim cương” gần ngay bên dòng sông Thames nổi tiếng của nước Anh.
Theo tờ Architect, khu vực Nine Elms mà tòa sứ quán này tọa lạc là một trong các khu đất trung tâm London thuộc dự án tái sinh với vốn đầu tư lên đến 20 tỷ USD. Xung quanh khu vực này là các tòa nhà nổi tiếng như: Tòa nhà Quốc hội, Phòng trưng bày Tate, nhà máy điện Battersea,…
Tòa sứ quán Mỹ tại London nằm ở khu đất “đắc địa” có giá trị 1 tỷ USD. Nguồn ảnh: Kieran Timberlake.
Tòa đại sứ quán mới này được xây dựng với tổng diện tích là 48.128 m2 và cao 65m (12 tầng). Theo đó, hợp đồng thầu xây dựng tại tòa đại sứ quán Anh có trị giá lên đến 650 triệu USD. Công ty trúng được gói thầu lớn này là Sir Robert McAlpine.
Vẫn như các tòa đại sứ quán của Mỹ khác, tòa đại sứ này cũng được một công ty Mỹ là Kieran Timberlake thực hiện việc thiết kế. Tuy nhiên, công việc xây dựng chính của tòa nhà “tỷ USD” này lại được giao cho 5 nhà thầu tại Anh thực hiện. Các nhà thầu tại Anh bao gồm: Balfour Beatty, Laing O’Rourke, Mace, Sir Robert McAlpine and Skanska. Ngoài ra, chỉ có một nhà thầu từ Mỹ là Hensel Phelps
Tòa sứ quán Mỹ 1,2 tỷ USD tại Việt Nam: Cơ hội cho các nhà thầu Việt là bao nhiêu?
Theo các thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, trụ sở mới sẽ được xây dựng với quy mô 39.000 m2 trên khu đất rộng 3,2 ha. Giống như hầu hết các tòa đại sứ quán được nêu trên, phần thiết kế tòa nhà của tòa sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng được một công ty Mỹ nhận phụ trách thiết kế. Công ty phụ trách mảng kiến trúc của tòa nhà “tỷ USD” này là EYP Architecture & Engineering, có trụ sở tại Washington D.C.
Gói thầu xây dựng của tòa nhà này vẫn chưa được công bố giá trị, nhưng nhìn từ con số 1,2 tỷ USD dự đoán thì nhà thầu xây dựng nào trúng được gói thầu này sẽ có cơ hội làm ăn lớn. Chính vì vậy mà việc công ty nào trúng được gói thầu này được rất nhiều người quan tâm.
Từ trước đến nay, hầu hết các nhà thầu xây dựng của Mỹ sẽ tham gia vào việc xây dựng các đại sứ quán. Tuy nhiên, các tòa sứ quán tại Anh, Iraq hay Barbados đều do các nhà thầu xây dựng tại chính các quốc gia này đảm nhận những mảng chính để tạo nên các tòa sứ quán với quy mô lớn. Chính vì vậy, cơ hội trúng thầu của các nhà thầu Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Dù vậy, những lợi thế về kinh nghiệm cũng như tính bảo mật, an toàn với một cơ sở ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ sẽ khiến các công ty có uy tín và tiềm lực cao của nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng có điểm cộng nhiều hơn. Thế nhưng, kể cả trong các trường hợp không được làm thầu chính, việc trở thành thầu phụ cũng giúp cho rất nhiều lao động Việt Nam có việc làm ở một dự án lên tới 1,2 tỷ USD ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.